Quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng từ ngày 3/1 đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các doanh nghiệp (DN), bởi quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cảng biển, DN đã phải đóng rất nhiều loại thuế, phí như lệ phí hàng hải, phí bốc xếp, bến bãi, thuế xuất nhập khẩu… Để rộng đường dư luận, Báo Giao thông đã ghi nhận một số ý kiến của các bên liên quan.
Việc thu phí hoàn toàn hợp lý và phù hợp quy định pháp luật
Việc thu phí dịch vụ cảng biển của Hải Phòng là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật. Các DN nên chia sẻ với thành phố vì trong những năm qua, TP Hải Phòng đã đầu tư rất nhiều vào cảng biển và hạ tầng giao thông, nay thành phố phải thu phí để tái đầu tư hạ tầng, phục vụ giao thông tốt hơn. Có thể vì thu phí, có DN không lựa chọn cảng biển Hải Phòng mà chọn cảng biển khu vực khác, đó là logic thị trường và TP Hải Phòng phải chấp nhận.
Tuy nhiên, ngoài phí dịch vụ cảng biển, so với các cảng khác, TP Hải Phòng vẫn có những ưu thế. Chẳng hạn mức thu giữa phí hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan với hàng xuất nhập khẩu qua cảng biển Hải Phòng chênh lệch nhiều so với cảng Ninh Bình.
Ban soạn thảo đã nghiên cứu kỹ
Trong quá trình lập đề án thu phí hạ tầng cảng biển, Ban soạn thảo đề án đã nghiên cứu rất kỹ quy định của Nhà nước về thuế, phí. Chúng tôi căn cứ vào Luật Phí và lệ phí ngày 25/11/2015; Nghị định số 120/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Phí và lệ phí; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Phí và lệ phí.
Sau khi nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật, TP Hải Phòng đã xin ý kiến chuyên môn của Bộ Tài chính. Chúng tôi đã nhận được ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 15489/BTC – CST ngày 31/10/2016 về việc thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực các cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Với đầy đủ các căn cứ pháp luật, HĐND TP Hải Phòng đã ra Nghị quyết số 148 về việc thu phí hạ tầng cảng biển.
Các tỉnh được quyền quyết giá 9/17 hàng hoá, dịch vụ
Theo Nghị định số 149/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá, UBND các tỉnh được giao quy định 9/17 hàng hóa, dịch vụ gồm: Sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; Dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mới hoặc cho phép thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có tọa độ; Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; Dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; Dịch vụ sử dụng đò, phà; Dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga; Dịch vụ trông giữ xe; Dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước; Dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng ngân sách Nhà nước. Hình thức định giá gồm khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu và giá cụ thể.
Phí chồng phí, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu
Việc thu phí hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng khiến tôi lo ngại, bởi hiện các chi phí về logistics tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực. Do đó, Hải Phòng đã đánh giá đủ hay cân nhắc kỹ về việc thu phí này chưa? Việc thu phí hạ tầng cảng biển này là “đánh” trực tiếp vào các DN xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Và việc “đánh” phí này không chỉ là 2,2-4,8 triệu đồng/container mà còn làm tăng thời gian hàng hóa nằm tại cảng, từ đó tăng chi phí bến bãi, nhân lực phải nộp và đặc biệt nảy sinh cơ hội nhũng nhiễu. Đây cũng là rủi ro đáng lo ngại.
Luật Phí và lệ phí cho Hải Phòng được quyền thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển nhưng địa phương quyết định thu phí sẽ tạo ra tiền lệ tận thu, kéo theo các tỉnh khác có hạ tầng cảng biển thu theo. Về lâu dài, điều này hoàn toàn không có lợi cho hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Hiện, các DN đã phải nộp rất nhiều khoản thuế, phí rồi nay thêm phí cảng biển nữa thì tôi lo ngại tình trạng phí chồng phí khiến DN khó khăn hơn.
Lo ngại DN bỏ cảng Hải Phòng
Việc triển khai thu phí hạ tầng cảng biển Hải Phòng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của chính các DN cảng tại thành phố. Khoản phí mới này được áp dụng khiến các DN xuất nhập khẩu phải chịu mức chi phí tăng thêm từ 30-50%. Chúng tôi đang rất lo ngại với mức phí tăng thêm như vậy, khách hàng là những DN xuất nhập khẩu sẽ bỏ cảng biển Hải Phòng để chuyển sang các cảng biển khác không thu phí hạ tầng cảng biển. Về lâu dài, việc tăng phí sẽ khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải đẩy chi phí vào giá thành sản phẩm dẫn tới sức cạnh tranh của DN có thể bị giảm và người tiêu dùng phải gánh giá tăng.
Hải Phòng nên xây dựng lộ trình thu phí
Chúng tôi cho rằng, TP Hải Phòng khi áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển đã nghiên cứu rất kỹ các quy định của Nhà nước. Hiệp hội ủng hộ và nhất trí với chủ trương này. Thời gian qua, TP Hải Phòng đã quan tâm, đầu tư rất nhiều cho hạ tầng cảng biển nên việc thu phí phục vụ chiến lược tái đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế hiện tại các chủ hàng, DN cảng biển và DN vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi, TP Hải Phòng nên có một lộ trình hợp lý hơn, có sự bàn bạc, lắng nghe ý kiến của các DN để cân đối hoạt động thu phí, hài hòa giữa việc thực hiện nguồn thu và lợi ích của DN.
Nguồn: Baogiaothong.vn