Gần đây, trong một văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ vẫn nhất quán điều hành kinh tế theo nguyên tắc thị trường. Điều đó hoàn toàn đúng trong “thời đại logistics”.
Phải nói rằng, sự xuất hiện của Uber, Grab như cơn “địa chấn” đối với dịch vụ vận tải taxi. Người tiêu dùng dịch vụ này của Việt Nam, bỗng một ngày được “sáng mắt” ra rằng lâu nay các “đại gia”, ông chủ taxi truyền thống đã “bắt tay” nhau “móc túi” mình mà không hề hay biết. Uber, Grab ra đời mang đến sự “hứng khởi” mới về cạnh tranh.
ĐBQH Dương Trung Quốc lý giải, việc cho phép Grab và Uber thử nghiệm đưa ra vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở Việt Nam đã tới ngưỡng phải giới hạn về số lượng so với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Do vậy mà ông gửi thư tới Thủ tướng, khiến cho những cử tri mà ông đại diện ngạc nhiên về quan điểm của ông. Văn bản chất vấn của vị ĐBQH này nêu: “Chính phủ sẽ cho thí điểm Uber, Grab đến bao giờ?”, “những hệ lụy ai cũng có thể nhìn thấy sẽ do ai chịu trách nhiệm?”. “Taxi bùng nổ làm tăng phương tiện lên gấp bội, nảy sinh xung đột lợi ích, nhất là xung đột với mục tiêu quản lý nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông”, ông nêu.
Vị ĐBQH này lo rằng, thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: Chấp nhận hay không chấp nhận cho đối tượng hoạt động chính thức và cả 2 phương án này “đều đi đến hệ lụy tiêu cực”. Quan điểm của ông đã vấp phải khá nhiều ý kiến phản đối, nhất là với người tiêu dùng bình dân, vốn đang chiếm số đông ở các đô thị Việt Nam.
Dù ai đó bị các hãng taxi truyền thống “mồi” thì cũng phải công nhận những ưu điểm của dịch vụ kết nối phương tiện vận tải với hành khách bằng công nghệ mà hiện nay 2 hãng Uber và Grab đang đi đầu thực hiện là cần phải khuyến khích. Không thể nào chấp nhận các hãng cung cấp dịch vụ taxi truyền thống “bắt tay” thản nhiên “móc túi hợp pháp” vì giá quá đắt so với giá cước của các hãng Uber, Grab mà người dân đang được hưởng lợi.
Thật may mắn, quan điểm của ông ĐBQH Dương Trung Quốc đã không được người đứng đầu Chính phủ đồng tình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn cho rằng, việc thí điểm trên nằm trong xu thế tất yếu của việc ứng dụng công nghệ, trên cơ sở đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và đúng luật.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ không chỉ Uber, Grab mà cũng đã có 7 doanh nghiệp vận tải của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ này và theo ông đó là “sự thay đổi tích cực” để đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp nhận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài. “Đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong lĩnh vực vận tải, thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn…”, Thủ tướng khẳng định.
Như vậy quy luật giá dịch vụ phải giảm, chất lượng phải nâng là tất yếu.
Ngày 3.6.2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa sau hơn 30 năm đổi mới.
Trung ương nhận định: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thực hiện còn chậm. Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả. Giá cả một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa được xác lập thật sự theo cơ chế thị trường. Trên thực tế, không chỉ có “lợi ích cục bộ” mà nhìn thấy rõ “nhóm lợi ích” đã “can thiệp” được vào chính sách.
Chính vì thế một trong các nhiệm vụ được xác định trong nghị quyết là: “Hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch về độc quyền nhà nước. Xóa bỏ các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp của Nhà nước đối với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế”.
Không thể dùng “mệnh lệnh hành chính” để cấm cản Uber, Grab. Bởi về mọi mặt: Về thuế, Bộ Tài chính đã khẳng định Uber và Grab chấp hành quy định về nộp thuế cũng tương đương, không kém hơn các hãng taxi truyền thống; về chăm sóc khách hàng: Uber, Grab có giá rẻ hơn nhiều, chất lượng dịch vụ còn cao hơn, an toàn hơn (do khách hàng biết rõ người lái xe, tuyến đường họ đi). Nếu ai đó lo lắng “số lượng phương tiện tăng” gây áp lực lên cơ sở hạ tầng đô thị thì thực tế, Uber, Grab còn có thể làm giảm mật độ tham gia giao thông của phương tiện với các dịch vụ đi chung, ghép đôi… mà đáng tiếc và cũng rất đáng trách, Bộ Giao thông vận tải lại vừa từ chối cách thức này.
Câu chuyện Uber, Grab cho thấy sự nhất quán về điều hành kinh tế của Chính phủ là đúng theo nguyên tắc thị trường. Nếu doanh nghiệp nào không chịu cạnh tranh về công nghệ, chất lượng dịch vụ, giá cả mà chỉ vận động, ủng hộ cho những biện pháp can thiệp hành chính, thì họ sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, bị đào thải ra khỏi thị trường.
Thời hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế quốc tế không thể duy trì mãi “tư duy và tầm nhìn vỉa hè”, ngắn hạn. “Kỷ nguyên logistics” cho thấy, “thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường” chứ không phải mệnh lệnh được ban ra từ các căn phòng máy lạnh.
Nguồn: Vlr.vn