Điều khoản về quyền tài phán hay còn gọi là thẩm quyền xét xử ghi trên vận đơn vận tải đa phương thức là đề tài thường được chú ý của các thẩm phán, trọng tài viên, luật sư cũng như người kinh doanh dịch vụ logistics, người kinh doanh vận tải đa phương thức, người giao hàng, người gửi hàng và người nhận hàng vì còn có quan điểm khác nhau về giá trị thi hành.
Trong một phán quyết quan trọng, theo tài liệu của Văn phòng Luật quốc tế (International Law Office, London) ngày 14.4. 2017, Tòa án Tối cao của Ý đã khẳng định giá trị pháp lý của điều khoản thẩm quyền xét xử trong vận đơn vận tải đa phương thức qua vụ tranh chấp dưới đây.
Vụ tranh chấp liên quan đến việc vận chuyển một lô hàng cà phê Arabica từ Nicaragua đến Ý theo hợp đồng vận tải đa phương thức. Người nhận hàng đã ký hợp đồng với người giao nhận để thu xếp vận chuyển hàng hóa từ nhà máy tại Nicaragua đến cảng Trieste. Chặng vận chuyển đầu tiên (first leg) được thực hiện bằng đường bộ và chặng thứ hai bằng đường biển. Vì vậy, người giao nhận đã thu xếp chuyên chở với người vận chuyển, sau đó, nhận hàng từ nhà máy để vận chuyển đến cảng bốc hàng (loading port) là Corinto.
Trong quá trình vận chuyển bằng đường bộ, hàng hóa đã bị mất trộm. Người nhận hàng khởi kiện trước Tòa án Genoa yêu cầu người vận chuyển bồi thường tổn thất. Người vận chuyển bác bỏ yêu cầu bồi thường bằng cách dựa vào điều khoản về quyền tài phán duy nhất (exclusive jurisdiction clause) nêu tại mặt sau của vận đơn ghi rõ là thuộc về Tòa án Anh và cho rằng Tòa án Ý không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, thẩm quyền duy nhất thuộc về tòa án ở Luân Đôn (London).
Nguyên đơn phản đối, cho rằng điều khoản này không thể được áp dụng với lập luận: hoàn toàn khác với phạm vi (ambit) của vận chuyển đường biển, trong vận tải đa phương thức không có tập quán thương mại là đưa điều khoản quyền tài phán vào vận đơn trong khi tài liệu này (vận đơn) không được ký bởi người giao hàng (shipper) hoặc người nhận hàng, ngoài chữ ký của người vận chuyển.
Vì vậy, trong khi thủ tục tố tụng chưa được tiến hành trước Tòa án Sơ thẩm Genoa, người vận chuyển đã yêu cầu Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết sơ bộ về vấn đề thẩm quyền theo Điều 41 của Bộ luật Tố tụng Dân sự bằng cách đề nghị Bộ phận Tổng hợp (United Sections) của Tòa án Tối cao đưa ra quyết định không thể hủy ngang về vấn đề thẩm quyền.
Tòa án Tối cao đã chấp nhận giá trị pháp lý và giá trị thi hành của điều khoản về thẩm quyền ghi trong vận đơn vận tải đa phương thức và cho rằng Tòa án Ý không có thẩm quyền giải quyết vụ án. Phán quyết này đã chấm dứt thủ tục tố tụng đang chờ được chấp nhận trước Tòa án Genoa.
Tòa cho rằng điều khoản về quyền tài phán được viện dẫn (incorporated) trong vận đơn vận tải đa phương thức có giá trị pháp lý theo Điều 17 (C) của Công ước Brussels 1968 và Điều 23 của Quy tắc châu Âu Brussels I (44/2001) – EU Brussels I Regulation (44/2001). Tòa giải thích: theo các quy định và quy tắc nêu trên, có thể cho rằng sự chấp nhận của các bên đối với giá trị pháp lý của điều khoản về thẩm quyền theo thông lệ thương mại mà người vận chuyển và người nhận hàng biết hoặc phải biết đã tồn tại trong buôn bán và thương mại quốc tế. Về vấn đề này, tòa án cho rằng thực tiễn phổ biến trong kinh doanh vận chuyển quốc tế (bao gồm cả vận tải đa phương thức) là vận đơn chỉ được ký bởi người vận chuyển. Thực tiễn này được coi là thông lệ thương mại (commercial usage) mà những người có liên quan trong thương mại quốc tế phải biết.
Hơn nữa, Tòa án tối cao lập luận rằng, bằng việc bắt đầu tiến trình tố tụng trước Tòa án Genoa, nguyên đơn trong vụ việc này đã nộp vận đơn cho Tòa mà không có ý kiến bảo lưu hay phản đối. Như vậy, họ bị ràng buộc bởi điều khoản về thẩm quyền vì việc nộp vận đơn chứng tỏ nguyên đơn đã khởi kiện theo các điều khoản và điều kiện của vận đơn, bao gồm cả điều khoản về thẩm quyền nêu trong tài liệu đó (vận đơn).
Phán quyết của Tòa án Tối cao là rất đáng chú ý vì nó lật ngược xu hướng chính trong luật án lệ (case law) của Ý về vấn đề này. Trước khi có phán quyết như vậy của Tòa án Tối cao, nhiều tòa án cấp dưới đã bác bỏ hiệu lực thi hành của điều khoản về thẩm quyền trong vận đơn vận tải đa phương thức.
Mặc dù, các tiền lệ không có tính ràng buộc ở Ý, nhưng các nguyên tắc được thể hiện trong phán quyết của Tòa án Tối cao chắc chắn sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong thực tiễn xét xử, bởi vì các tòa án cấp dưới sẽ có cơ sở để xem xét vụ án theo tiền lệ mà Tòa án Tối cao đã phán quyết.
LS. Ngô Khắc Lễ – Trọng tài viên VIAC
Nguồn vlr.vn